Theo chiều hướng sống đạo của thành phần “những người biệt phái” đặt vấn đề với Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật XXX Thường Niên A, thì họ coi trọng Thiên Chúa hơn con người, nên họ giữ luật Ngài ban một cách kỹ lưỡng và cẩn thận, trong khi đó, họ lại khinh khi người khác, những con người bình dân không biết lề luật Chúa như họ, nhất là thành phần thu thuế và gái điếm sống phản lại với lề luật của Chúa.
Phải chăng đó là lý do, sau khi “nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?’" Dĩ nhiên câu họ mong đợi Chúa Giêsu trả lời cho họ sẽ theo đúng như ý nghĩ của họ, đúng như chủ trương sống đạo của họ, đó là Thiên Chúa trên hết, kiểu “Allah vĩ đại” của tín đồ Hồi giáo nói chung, nhất là của một số thành phần cuồng tín quá khích nói riêng, đến độ dám nhân danh Thiên Chúa để khủng bố, để sát nhân, và trước khi ra tay thì hô vang “Allah vĩ đại”.
Nhưng họ có ngờ đâu, Chúa Giêsu cũng làm cho cả họ nữa tịt ngòi không nói năng gì được nữa, chẳng khác gì “những người Sadốc câm miệng” trước họ, qua những gì Người trả lời cho thành phần không tin chuyện phục sinh về vấn đề người chết sống lại ở đoạn Phúc Âm trước đó mà Giáo Hội không chọn đọc tiếp ngay sau Bài Phúc Âm tuần XXIX Thường Niên Năm A vừa rồi.
Câu trả lời của Chúa Giêsu mà họ không ngờ và cũng để nhắc nhở thành phần thông luật, giữ luật và dạy luật như họ trong dân chúng bao gồm cả mến Chúa lẫn yêu người, chứ không phải chỉ mến Chúa mà không yêu người, hay trong khi mến Chúa mà lại tỏ ra khinh người, bằng không, mến Chúa một cách bôi bác, què quặt, không thể nào có chuyện mến Chúa như thế, hay có chuyện mến Chúa chân thật ở đây.
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".
Trước khi liên kết bài Phúc Âm với Bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 hôm nay cũng như với bài Đáp Ca, chúng ta hãy tìm hiểu cho thật rõ ràng ý nghĩa của hai giới răn được Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Phúc Âm hôm nay, nhờ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của 2 bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 hôm nay trong phần Phụng Vụ Lời Chúa nói chung.
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi", nghĩa là yêu Chúa hết mình, và "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", nghĩa là yêu người như mình.
Vậy, thế nào là yêu Chúa hết mình: Nếu không phải là "yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi". Theo thứ tự thì "hết lòng" trước, rồi mới tới "hết linh hồn" và sau hết là "hết trí khôn". Tại sao không theo thứ tự khác? Như ở Phúc Âm Thánh Luca (10:27) "hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn". Thật ra, cả hai Phúc Âm Thánh Mathêu và Thánh Luca đều trích lại từ Sách Đệ Nhị Luật (6:4-5): "hết tấm lòng, hết linh hồn và hết sức lực". Nếu căn cứ vào gốc của câu thì trước tiên là "yêu Chúa hết tấm lòng", sau đó tới "yêu Chúa hết linh hồn" và sau cùng mới đến "yêu Chúa hết sức lực", cả 3 đều phải liên kết với nhau bất khả thiếu và bất khả phân ly. Tại sao?
Có thể suy luận như thế này: "yêu Chúa hết tấm lòng" đây có nghĩa là thật sự cảm nhận được lòng Chúa yêu thương mình, ở chỗ, ý thức về bản thân mình là một tạo vật vô cùng thấp hèn và chẳng có công lênh gì mà được Ngài đoái thương, đó là ý nghĩa "yêu Chúa hết linh hồn", nhờ đó, và chỉ có thế, mới có thể "yêu Chúa hết sức mình" của mình, ở chỗ đáp lại lòng thương yêu nhưng không vô cùng của Chúa đối với mình, bằng cách tuân theo tất cả những gì Chúa muốn nơi mình, và cũng nhờ đó, mà mới có thể "yêu người như bản thân mình".
Và thế nào là yêu người như mình: Nếu "yêu người như bản thân mình" chỉ ở chỗ công bằng: về tiêu cực, mình không muốn người khác làm cho mình điều gì (chẳng hạn không muốn ai nói xấu mình, ăn trộm của mình, sát hại mình v.v.) thì cũng đừng làm cho họ như vậy (theo Khổng giáo), và về phần tích cực, mình muốn muốn người khác làm cho mình điều gì (như thông cảm tha thứ cho mình, hoặc giúp đỡ mình khi cần, giữ lời hứa với mình v.v.) thì hãy làm cho họ như vậy (xem mathêu 7:12), thì thứ luật vàng này vẫn không thể coi ngang hàng với "cũng giống giới răn thứ nhất và trọng nhất" là yêu Chúa hết mình, mà chỉ có tính cách nhân bản và thuần nhân bản, thuộc tầm mức loài người với nhau hơn là thần linh cao trọng.
Đúng thế, chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm thấy được tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với loài người tạo vật thấp hèn xấu xa tội lỗi bất xứng chúng ta, thì bấy giờ, chúng ta mới có thể "yêu người chính bản thân mình", nghĩa là "như" chúng ta được Chúa yêu, hay nói cách khác, chúng ta được Chúa yêu thương "như" thế nào thì chúng ta cũng yêu thương người khác "như " vậy, dù họ có thể nào chăng nữa, có hèn kém hơn chúng ta, có xấu xa đến mấy, có đáng khinh đến đâu, có là kẻ thù của chúng ta chăng nữa. Vì chúng ta đã để cho tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta ấy, từ chúng ta, qua các tác động đức ái trọn hảo của chúng ta, tràn đến tha nhân như thế, mà tình yêu tha nhân của chúng ta mới "trọng nhất".
Chúng ta cứ đọc Bài Đọc 1 - nhấn mạnh đến yêu người, và Bài Đọc 2 - nhấn mạnh đến mến Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra được ý nghĩa thật sự của giới luật "thứ nhất và trọng nhất" liên quan đến phần hai của một giới luật duy nhất "yêu người như chính bản thân mình", ở chỗ, cả 2 Bài đọc đều cho thấy yêu người như mình từ yêu Chúa hết mình.
Thật vậy, nếu thành phần đặt vấn đề trong bài Phúc Âm hôm nay, một vấn đề mà họ tự cho mình là thành phần thông luật và dạy luật trong dân thì họ phải biết những gì Thiên Chúa đã qui định và nhắc nhủ cha ông họ cũng như cho chính họ trong lề luật của Ngài chứ, điển hình như những gì Ngài phán qua Moisen là vị trung gian của Ngài sai đến cứu dân tộc của họ khỏi thân phận làm tôi bên Ai Cập ở trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi”.
Ai cho mình là tin Thiên Chúa và “yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” của mình, nhưng lại không “yêu thương kẻ khác như chính mình” thì kẻ ấy vẫn còn đang lầm lạc, đang vô tình tôn thờ ngẫu tượng mà không biết, chưa thực sự nhận biết Thiên Chúa là ai và như thế nào, tưởng Ngài là một vị Thiên Chúa vô cùng công minh chính trực, chỉ biết giáng phạt, chẳng khác nào như một ác thần hay hung thần, hơn là một vị Thiên Chúa như chính Ngài đã tự nhận trong Bài Đọc 1 hôm nay: “Ta là Đấng Thương Xót”. Nghĩa là chúng ta được Thiên Chúa xót thương thế nào thì hãy thương nhau "như" vậy, và cũng có nghĩa là con người chỉ cảm nghiệm thấy được lòng thương xót Chúa thì con người mới có thể thương nhau thôi.
Nếu Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái trong giòng lịch sử cứu độ của họ là một ác thần hay hung thần thì chính dân Do Thái đã bị Ngài tiêu diệt từ lâu rồi, ngay khi họ quay lưng phản bội Ngài bằng việc tôn thờ con bò vàng của họ khi Moisen lên núi lãnh nhận hai bia đá lề luật của Thiên Chúa. Một hung thần hay ác thần lúc nào cũng có thể nổi cơn thịnh nộ trước con người vô cùng hèn yếu, xấu xa tội lỗi và thẳng tay trừng phạt họ thì chẳng bao giờ truyền dạy con người những lời lẽ ở trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng thương xót".
Đó là lý do, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, ở trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã nhắc nhở Kitô hữu dân ngoại thành Thessalonica qua Thư Thứ Nhất ngài gửi cho họ về đời sống đạo chân chính của họ như sau: “Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, ‘Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại’, là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến”.
Sở dĩ thành phần dân ngoại ở Thessalonica trở thành Kitô hữu sống đạo một cách chân chính như thể là vì họ đã “noi gương chúng tôi và noi gương Chúa”, một gương mẫu mến Chúa yêu người: “Anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em”, hay đúng hơn một tấm gương vì Chúa mà thương người, nhờ đó, tấm gương này đã trở nên như hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa, và nhờ đó người khác nhận biết Chúa mà trở về với Ngài, như chính vị tông đồ dân ngoại Phaolô, vị đã từng là một biệt phái mến Chúa nhưng không yêu người, ở chỗ, vì chỉ nhiệt thành hay quá nhiệt thành với Chúa nên đã đi bách hại Kitô hữu, nay chàng Saolê hung hăng mù quáng ấy lại trở thành nhân chứng trung thực và sống động hơn ai hết của Lòng Thương Xót Chúa giữa muôn dân.
Tuy nhiên, để được như vậy, để có thể “bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, không phải là chuyện dễ, con người tự mình mù quáng không thể làm được, nếu không có ơn Chúa, nếu không được Thiên Chúa ra tay cứu độ, điển hình nhất là trường hợp của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô. Bởi thế, Thánh Vịnh 17 ở Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa những cảm thức đầy xác tín và chí lý sau đây:
1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
3) Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.